Tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 đối tác, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có mạng lưới FTA phong phú nhất trong khu vực. Tuy nhiên, mạng lưới các FTA này vẫn chưa bao trùm một số khu vực quan trọng (như Trung Đông và Châu Phi) hoặc có mối liên kết với một số đối tác còn khá mong manh (ví dụ khu vực Mỹ Latin). Đồng thời, sau COVID-19 và trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại, nhiều FTA được ký kết trong giai đoạn đầu dường như chưa đủ sức để bắt kịp với những mối quan tâm mới trong thương mại quốc tế (như tính bền vững của chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đại hóa các quy tắc xuất xứ…). Xuất phát từ những nhu cầu rất thực tiễn hiện tại và với tầm nhìn trong lâu dài, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán và ký kết nhiều FTA mới với nhiều đối tác quan trọng như Israel, UAE, ASEAN-Canada… đồng thời cùng các đối tác tiến hành nâng cấp một loạt các FTA đang có như FTA giữa ASEAN với Australia/New Zealand (AANZFTA), với Trung Quốc (ACFTA) hay trong nội bộ các nước ASEAN với nhau (ATIGA).

1.1. Việt Nam đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký kết các FTA mới
Nửa đầu năm 2023 chứng kiến nhiều mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán nhiều FTA mới mà Việt Nam là một bên tham gia. Nổi bật trong số này là những tiến triển đáng ghi nhận trong đàm phán các FTA với các đối tác khu vực Trung Đông – Châu Phi mà Việt Nam chưa từng có FTA (như với Israel, UAE). Đồng thời, tiến trình đàm phán các khung khổ hợp tác mới với các đối tác đã từng có FTA cũng được đẩy mạnh.
Hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – Israel
Sau chặng đường dài gần 7 năm, Việt Nam và Israel đã cơ bản hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – Israel (VIFTA) vào ngày 2/4/2023. Hiện hai Bên đang rất tích cực xúc tiến các công việc kỹ thuật để rà soát pháp lý để có thể ký kết VIFTA ngay trong năm nay nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Dù toàn văn Hiệp định chưa được công bố, VIFTA được tuyên bố chung là một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, với các cam kết mạnh trong xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa, cắt giảm hàng rào phi thuế và thúc đẩy thương mại dịch vụ, đầu tư.
Khởi động đàm phán FTA Việt Nam – UAE
Sau những chuẩn bị kỹ lưỡng từ hai phía và nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam tới UAE, ngày 6/4/2023, Việt Nam và UAE ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (UAE-VN CEPA). Một Hiệp định mới giữa Việt Nam với một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Phi và thế giới Ả Rập đã chính thức được khởi động.
Hai tháng sau đó, ngày 5-7/6/2023, các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên đã tiến hành Phiên họp thứ nhất về Hiệp định UAE-VN CEPA. Tại Phiên họp, hai Bên đã trao đổi về các chủ đề chính dự kiến sẽ có trong Hiệp định này.
Theo thông tin được công bố, UAE-VN CEPA được định hướng là một Hiệp định toàn diện, bao gồm các nội dung về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư và các lĩnh vực khác (năng lượng, logistics…), với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thương mại, đầu tư cũng như phát huy tối đa tiềm năng trong mối quan hệ song phương giữa hai bên.
Tiếp tục tiến trình đàm phán FTA ASEAN-Canada
Hồi tháng 11/2021, trong Khuôn khổ Hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) – Canada lần thứ 10, trước nhu cầu về một khung khổ ổn định nhằm tăng cường thương mại giữa các Bên trong bối cảnh mới, ASEAN và Canada đã chính thức thống nhất khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do chung (ACAFTA). Trên thực tế, các Bên đã bắt đầu thảo luận về tính khả thi về một FTA chung từ năm 2017 nhưng chưa thật mặn mà. Bối cảnh thay đổi dưới tác động của COVID đã thúc đẩy các Bên tích cực hơn trong vấn đề này.
Từ đó tới nay, ACAFTA đã trải qua tổng cộng 4 vòng đàm phán chính thức, trong đó riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 2 vòng đàm phán được thực hiện (tháng 3 và tháng 6/2023).
ACAFTA được thiết kế với tính chất một Hiệp định thế hệ mới, toàn diện, không chỉ điều chỉnh các vấn đề về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư (như các FTA ASEAN+ khác) mà còn bao gồm các nội dung mới như thương mại điện tử, lao động, môi trường, và thương mại bao trùm…
Hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP đối với Vương quốc Anh
Sau 02 năm đàm phán, Vương quốc Anh đã chính thức trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 16/7/2023 vừa rồi với Lễ ký kết diễn ra tại New Zealand giữa Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại nước này và đại diện của các nước thành viên sáng lập CPTPP, trong đó có Việt Nam. Trước đó, tháng 3/2023, đàm phán gia nhập CPTPP của Anh đã được tuyên bố hoàn tất.
Đàm phán Anh gia nhập CPTPP được đánh giá là tương đối nhanh, với tiến triển khá thuận lợi. Theo giới quan sát, điều này có được là nhờ nền kinh tế Anh vốn đã có nền tảng mở cửa và tự do hóa cao, đồng thời có thể chế kinh tế khá tương đồng với các tiêu chuẩn “thế hệ mới” của CPTPP.
Sắp tới sẽ là các công việc thuần túy trong nội bộ của Anh nhằm phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực với nước này.
Như vậy, Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế đầu tiên ngoài Nhóm sáng lập tham gia CPTPP kể từ khi Hiệp định được ký kết vào năm 2018. Đây cũng là nền kinh tế châu Âu đầu tiên tham gia vào Hiệp định này.

1.2. Việt Nam thúc đẩy tiến trình nâng cấp các FTA hiện có
Đàm phán nâng cấp các FTA hiện có, đặc biệt là các FTA ký kết trong giai đoạn đầu, là một trong các ưu tiên trong chính sách thương mại quốc tế của các nước ASEAN nhằm cập nhật các diễn tiến cùng các chủ đề nóng xuất hiện trong giai đoạn sau này (như nhu cầu tăng tính bền vững của chuỗi cung ứng sau một loạt các đứt gãy dưới tác động của COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine; tính cấp thiết trong các hành động về phát triển xanh và phát triển bền vững; sự gia tăng của thương mại điện tử…). Với mục tiêu nhanh chóng “hiện đại hóa” các FTA liên quan, tiến trình đàm phán nâng cấp các FTA được lựa chọn (bao gồm FTA giữa ASEAN với Australia/New Zealand, với Trung Quốc và trong ASEAN) đã được thực hiện với nhịp độ rất khẩn trương.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đã hoàn tất nâng cấp Hiệp định AANZFTA và đang đẩy mạnh quá trình đàm phán nâng cấp ACFTA và ATIGA.
Hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA
Trước những thách thức chưa từng có từ đại dịch COVID-19, ngay từ tháng 9/2020, ASEAN, Australia và New Zealand đã thống nhất khởi động đàm phán nâng cấp AANZFTA với mục tiêu là đảm bảo duy trì tính cạnh tranh, chất lượng cao của Hiệp định, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước.
Sau hơn 2 năm đàm phán, ngày 17/2/2023, các Bên đã thống nhất hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA tại Hội nghị lần thứ 20 của Ủy ban Hỗn hợp Khu vực Thương mại Tự do ASEANAustralia-New Zealand (AANZ-FJC).
Hiện tại, văn kiện Nghị định thư sửa đổi AANZFTA vẫn chưa chính thức được công bố. Tuy nhiên, Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc cơ bản hoàn tất đàm phán nâng cấp AANZFTA cho thấy các sửa đổi đáng chú ý trong bản nâng cấp Hiệp định.
Cụ thể, Bản nâng cấp AANZFTA sẽ bổ sung thêm 03 chương mới về (i) Mua sắm công; (ii) Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và (iii) Thương mại và Phát triển bền vững. Đồng thời, Bản nâng cấp cũng bao gồm các sửa đổi, bổ sung một số điều khoản về thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; thương mại dịch vụ và đầu tư; thương mại điện tử; cạnh tranh cũng như thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại… theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Với những nội dung sửa đổi bao trùm, bản nâng cấp AANZFTA được kỳ vọng sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi, tăng tính chống chịu của các chuỗi cung ứng trong khu vực, đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa thiết yếu trong thời kỳ khủng hoảng. Đồng thời, AANZFTA nâng cấp dự kiến cũng giúp tăng cường tự do hóa dịch vụ và đầu tư, hỗ trợ thương mại điện tử và chuyển đổi số, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế khu vực bền vững và bao trùm.
Hiện tại, các bên đang tăng cường thảo luận về việc rà soát pháp lý để Nghị định sửa đổi của AANZFTA có thế được ký kết vào tháng 8/2023 tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN với Australia và New Zealand lần thứ 28.
“Hiệp định AANZFTA được ký kết vào ngày 27/2/2009 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Đây là một thỏa thuận thương mại toàn diện gồm rất nhiều cam kết về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, di chuyển thể nhân, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và hợp tác kinh tế… Hiệp định AANZFTA đã được sửa đổi một lần vào năm 2014 qua bản Nghị định thư thứ nhất sửa đổi AANZFTA với một số quy định chi tiết hơn về quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong thương mại hàng hóa. Phiên bản nâng cấp lần này sẽ là bản sửa đổi lần thứ hai của Hiệp định.”
Triển khai đàm phán nâng cấp ACFTA
Đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được công bố khởi động từ tháng 11/2022 tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25. Vòng đàm phán đầu tiên của ACFTA nâng cấp đã được tiến hành vào tháng 2/2023. Tại vòng này, các Bên đã thảo luận về các nội dung nâng cấp của Hiệp định, đồng thời thông qua Chương trình công tác giai đoạn 2023-2024 với mục tiêu hoàn tất 50% nội dung thỏa thuận nâng cấp ACFTA vào cuối năm sau. Từ đó tới nay, theo đúng kế hoạch của Chương trình công tác, các vòng đàm phán tiếp theo đã được thực hiện vào tháng 4/2023 và tháng 6/2023.
Là một FTA truyền thống được ký trong giai đoạn đầu, ACFTA thuần túy tập trung vào các cam kết mở cửa thị trường cơ bản, tập trung vào thương mại hàng hóa. Với phiên bản nâng cấp ACFTA lần này, ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu bổ sung vào một số vấn đề mới nổi mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm kinh tế kỹ thuật số, kinh tế xanh, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, các biện pháp SPS, TBT, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)…
“Tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Tháng 11/2015, ASEAN và Trung Quốc đã ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, trong đó sửa đổi một số nội dung cam kết theo hướng đơn giản hóa các quy tắc thương mại hàng hóa/dịch vụ, tăng cường các điều khoản đầu tư. Nghị định thư này có hiệu lực từ tháng 5/2016. Đàm phán nâng cấp ACFTA lần này nếu thành công sẽ là lần sửa đổi thứ hai đối với FTA này, và sẽ là “phiên bản 3.0 ACFTA”.”
Đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA
ASEAN công bố khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vào tháng 3/2022, trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 28. Mục tiêu của đàm phán này là nâng cấp để ATIGA toàn diện hơn, không chỉ bao gồm những nội dung về thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng cam kết ra nhiều vấn đề khác như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, môi trường… Tương tự như các Hiệp định được ASEAN nâng cấp trong thời gian này, đàm phán ATIGA phiên bản nâng cấp được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nước thành viên trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường như hiện nay (đại dịch, xung đột Nga-Ukraine…) và ASEAN cần có khung khổ chung để ứng phó tốt hơn với những khó khăn hiện tại và những thách thức có thể gặp phải trong tương lai.
Về nội dung, do hầu hết thuế quan giữa các nước ASEAN đã được xóa bỏ theo ATIGA hiện hành, ATIGA phiên bản nâng cấp hướng tới việc bổ sung các cam kết mới nhằm giảm bớt các rào cản thương mại trong khu vực, tạo thuận lợi thương mại, tăng cường minh bạch hóa chính sách, từ đó thúc đẩy việc luân chuyển hàng hóa tự do giữa các nước, củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực.
Cụ thể, đàm phán nâng cấp ATIGA tập trung vào việc đơn giản hóa quy tắc xuất xứ, cắt giảm các biện pháp phi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đang nghiên cứu, thảo luận về việc bổ sung một số nội dung mới về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, thương mại và phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA lần này.
“Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA) được ký vào tháng 2/2009, chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5/2010. Tiền thân của ATIGA là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992 giữa các nước ASEAN. ATIGA điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối với những nội dung được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA. Hiệp định ATIGA đã được sửa đổi lần đầu vào năm 2019 (tại Nghị định thư thứ nhất sửa đổi ATIGA 2019), trong đó chỉ thay đổi nội dung một điều khoản duy nhất về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm xử lý các bất cập về mặt kỹ thuật liên quan tới quy trình và biểu mẫu về xuất xứ của Hiệp định. Vì vậy, đàm.”